TỐT NGHIỆP RỒI ... THẤT NGHIỆP. VÌ ĐÂU??

Cầm tấm bằng Cử nhân Báo Chí mới cáu vào tuần trước, tuần sau Tuấn Tú phải lo đi làm gần hai chục bộ hồ sơ đi "rải" khắp các công ty truyền thông nhưng đã hơn 1 tháng vẫn chưa công ty nào kêu cậu đến phỏng vấn vì kinh nghiệm quá ít. Trong thời gian chờ đợi, Tú phải làm phục vụ ở quán cà phê để có tiền trang trải tạm thời.

Sinh viên và nỗi lo về "nghiệp"

Rất nhiều sinh viên mới ra trường khác cũng đang gặp tình trạng giống như Tú: Học xong, ra trường nhưng không xin được việc, phải làm part-time vất vưỡng ở một quán cafe hay quán thức ăn nhanh nào đó trong thành phố với mức lương 17.000 - 20.000 đồng/ giờ hoặc sống bằng tiền ba mẹ chu cấp hàng tháng.
 
Vì sao bạn thất nghiệp?
 
Nhiều bạn sinh viên bảo rất sợ ngày ra trường. Lễ tốt nghiệp là một ngày vinh quang nhưng cũng là ngày mình bắt đầu đeo gông vào cổ nỗi lo cũng về "nghiệp", nhưng là... "thất nghiệp".
 

Vì sao bạn thất nghiệp? 

Trả lời cho câu hỏi ấy, có thể nhiều bạn đã vội vàng phân trần rằng: Vì kinh tế đang suy thoái, các doanh nghiệp hạn chế tuyển nhân sự; vì chuyên ngành mình học vốn rất khó xin việc; vì nhà mình không có điều kiện để giúp mình xin được một công việc tốt; vì xin việc cơ quan nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm?... Nhưng thực chất, nguyên nhân chính khiến bạn thất nghiệp ở chính bạn mà thôi!
 
Sinh viên tìm việc làm ở các trung tâm môi giới.

Và đây là những lý do xác đáng nhất:

1/ Thời sinh viên bạn rất thảnh thơi?

Trong khi những người bạn của mình đâm đầu đi làm thêm, làm CTV cho các tờ báo, đi phát tờ rơi, mở một shop online, làm tình nguyện viên không lương cho một tổ chức phi chính phủ, thì bạn lại hưởng thụ một đời sống sinh viên chỉ ăn học - ngủ nướng và yêu đương; hàng ngày bạn vẫn đến trường rồi về nhà, thỉnh thoảng lên thư viện học và nỗi lo lắng của bạn khi ấy chỉ gói gọn trong điểm số của những kỳ thi? Ngày tốt nghiệp cũng là ngày sinh viên bắt đầu lo lắng.

2/ Chưa hiểu hết giá trị của tấm bằng Cử nhân mà bạn sở hữu 

Các bạn vẫn nghĩ rằng, sinh viên thì chỉ học tốt để ra trường có được một tấm bằng tốt! Thế nhưng, thực tế là để có một công việc tốt sau khi ra trường thì một tấm bằng chưa bao giờ là đủ! Bằng ĐH là sự ghi nhận kết quả học tập của bạn sau 4 năm học trên giảng đường – là một “vật chứng” có giá trị, nhưng lại có "giá" rất rẻ so với thực tế “nhà nhà tìm việc, người người tìm việc” hiện nay.

Và đề tạo lợi thế cho mình khi đi xin việc, ngoài tấm bằng ĐH, bạn cần có kinh nghiệm, có kỹ năng làm việc, giao tiếp… – những điều mà trường ĐH không dạy bạn nhưng nhà tuyển dụng luôn luôn cần. Để có được những điều ấy, bạn buộc phải tự rèn luyện, tự trau dồi trong quá trình đi làm thêm, học thêm ngay từ khi còn ngồi trên ghế ở giảng đường ĐH.

3/ Chê lương thấp và không chấp nhận làm việc trái ngành 

Bất cứ một cơ quan, doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng được những người có kinh nghiệm làm việc, vì thế hồ sơ xin việc của bạn cũng sẵn sàng bị loại nếu như không đáp ứng được yêu cầu đó, cho dù bạn có sở hữu một tấm bằng đáng mơ ước!

Nếu như những ngày còn học ĐH, bạn chưa kịp tích lũy kinh nghiệm thực tế để tạo lợi thế khi đi xin việc thì bạn vẫn còn kịp làm điều đó sau khi ra trường đấy!, quan trọng là bạn phải tự tạo cho mình lòng quyết tâm và chấp nhận hy sinh thời gian, công sức với những nỗ lực thực sự.

Hãy bắt đầu bằng việc dũng cảm gõ cửa các cơ quan và xin vào tập sự ở một vị trí công việc phù hợp, với mức lương thấp hoặc thậm chí là không lương. Hãy tạm gác lại mong muốn sớm có được một công việc ổn định cũng như áp lực về thu nhập, bạn hãy làm việc chăm chỉ, nghiêm túc trên tinh thần học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Khoảng thời gian học việc quý giá này sẽ giúp bạn sớm tìm được một công việc như mong muốn, gạt đi nỗi ám ảnh mang tên thất nghiệp… Bên cạnh đó, đừng bao giờ sao nhãng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng để phục vụ tốt cho công việc trong tương lai của bạn…

Nguồn Internet