Nhà tuyển dụng đang cần gì ở bạn?

Sau khi đăng loạt bài “Thủ khoa cũng lo thất nghiệp?”, Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng chị Tạ Thị Thủy, Giám đốc Nhân sự, Hành chính và An ninh ở miền Bắc của Tập đoàn Việt Thái (đơn vị sở hữu các chuỗi nhà hàng, cửa hàng thời trang cao cấp, hệ thống quán cà phê Highlands Coffee…).
Chị Tạ Thị Thủy
Chị Tạ Thị Thủy
Thưa chị, làm thế nào để chọn nghề nghiệp phù hợp mà không theo tâm lý đám đông?
Theo kinh nghiệm của tôi, có một vài điều phải lưu ý khi chọn nghề như sau:
Thứ nhất, xuất phát từ thế mạnh của bản thân: Đây là điều quan trọng nhất và là yếu tố tạo động lực, niềm tin, đam mê cho mỗi người đối với công việc sẽ làm. Khi mà sức lao động là hàng hóa, thì hãy bán những gì mình sở hữu có giá trị nhất.
Có 3 giá trị chính mà nhà tuyển dụng thường quan tâm ở các ứng viên là:
a) Kiến thức đối với công việc sẽ làm;
b) Kỹ năng, cách thức để hoàn thành công việc hiệu quả;
c) Thái độ, các tố chất cá nhân và sự thiện cảm mà cá nhân đó tạo ra. Tất cả các giá trị này hầu hết có thể học được từ môi trường sống của mỗi người, biết áp dụng uyển chuyển nó sẽ trở thành thế mạnh của bạn. Cuộc sống là một kho tàng vô giá và hãy cố gắng trải nghiệm thật nhiều để có nhiều giá trị hơn.
Thứ hai, hiểu về nhu cầu/xu hướng của thị trường lao động: Nếu bạn là sản phẩm tốt nhưng ít giá trị sử dụng hoặc ngành nghề hẹp thì sẽ rất ít hoặc không ai mua sản phẩm đó. Vậy hiểu về mong đợi của người sẽ thuê mình làm việc với đúng lĩnh vực mình có thế mạnh là một quá trình phân tích và tiếp cận khôn ngoan. Tìm được đối tác cần giá trị của mình, bạn có cơ hội thương lượng và áp dụng tư duy “cùng thắng” để đạt được sự nghiệp hằng ao ước.
Thứ ba là các cơ hội phát triển: Chắc rất ít người muốn làm cùng một vị trí, với cùng mức thu nhập trong suốt cuộc đời mình. Chúng ta nên chọn những công việc mở ra nhiều cơ hội tốt hơn trong tương lai. Đó có thể là cơ hội thăng tiến, tăng lương, phát triển bản thân, được bảo hiểm toàn diện, cơ hội du lịch… Để tìm kiếm được cơ hội tốt, phải có mục tiêu rõ ràng và luôn tự hỏi mình muốn trở thành ai? Làm việc ở môi trường nào sẽ giúp mình đạt được ước nguyện đó? Cách thức nào hỗ trợ ta đạt được mục tiêu nhanh nhất?
Hiện nay, ứng viên phải có những tố chất gì để trở thành một “nhân sự được ưa chuộng”?
Theo tôi, điều đầu tiên là phải tạo ra giá trị: Chừng nào công việc còn cần có bạn vì bạn tạo ra giá trị kỳ vọng, chừng đó bạn vẫn có thể tồn tại. Hãy để đồng nghiệp và những người quen biết có dấu ấn tích cực về những điều tốt đẹp của bạn, đặc biệt là năng lực làm việc tuyệt vời và thái độ ứng xử đầy thiện chí. Biết đâu trong tương lai, những người bạn, đồng nghiệp cũ lại chẳng giới thiệu cho bạn một công việc tốt khi bạn cần tới họ?
Bên cạnh đó, phải chủ động với thay đổi và rủi ro: Tìm thấy cơ hội trong khó khăn với tâm thế tự tin vào chắc chắn ở giá trị của mình sẽ sớm giúp ta vượt qua khủng hoảng ngắn hạn. Chủ doanh nghiệp rất hài lòng với những nhân viên có thể phát triển và thay đổi cùng quá trình cải tiến nhanh của họ. Giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, chính là một thời điểm như thế. Có kế hoạch dự phòng, cả về tài chính lẫn hướng đi tiếp theo. Khi đã chủ động, chúng ta sẽ tạo ra lợi thế cho mình trong mọi hoàn cảnh và sớm tìm thấy cánh cửa đang chờ mở.
Và tố chất thứ ba nhưng không thể thiếu là phát triển quan hệ và trao đổi giá trị: Hãy để nhiều người hơn biết về bạn và công việc mà bạn có thể làm tốt. Ngày nay, việc truyền thông để xây dựng thương hiệu cá nhân không còn xa lạ nữa. Càng nhiều người biết về bạn, bạn càng có nhiều cơ hội được giúp đỡ hoặc hợp tác. Nếu phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng về nghề nghiệp, hãy cố gắng dành thời gian đó làm những việc mà mình thích, những điều ấp ủ chưa thực hiện được hoặc đơn giản là chia sẻ với người khác về những kinh nghiệm bạn đã qua để giúp họ có trải nghiệm thuận lợi hơn.
Theo chị, làm thế nào để phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân nhằm cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế đi lên?
Câu chuyện nhân lực cho nền kinh tế đất nước xin dành cho các chuyên gia làm chính sách. Đối với đánh giá của chuyên gia nhân sự, để phát huy tối đa năng lực cá nhân không bắt đầu ở giai đoạn một người đã trở thành lao động chính của quốc gia đâu. Nó bắt đầu ngay khi ta là một đứa trẻ. Người có năng lực tốt, trước tiên phải có nhân cách tốt.
Tôi ủng hộ quan điểm, cha mẹ giúp con phát triển độc lập và chỉ định hướng để con tự tìm kiếm, phát huy những thế mạnh của mình. Đừng làm thui chột niềm tin của các bạn trẻ bằng việc thiếu tin tưởng ở chúng nhưng cũng không nên kỳ vọng biến mỗi thanh niên thành một siêu nhân. Các cơ sở đào tạo hãy tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và đào tạo sinh viên thật sát, có thể mời chính các quản lý, lãnh đạo tại doanh nghiệp định hướng cho sinh viên ngay khi chọn ngành, trực tiếp dạy kỹ năng và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Có hàng ngàn chức danh công việc và không ít trong số đó phù hợp với năng lực mỗi người, ở đó, thanh niên sẽ phát huy tốt nhất khả năng và luôn cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình.
Nguồn Internet