Công dân trong độ tuổi nhập ngũ không được xác nhận lý lịch?

Tôi muốn làm hồ sơ để đi xin làm nhưng UBND phường không ký xác nhận vào sơ yếu lý lịch. Pháp luật có quy định về việc không ký xác nhận lý lịch của công dân trong độ tuổi gọi nghĩa vụ hay không?
Tôi năm nay 23 tuổi, đã tốt nghiệp cao đẳng. Tôi muốn làm hồ sơ để đi làm nhưng UBND phường nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú không ký xác nhận vào sơ yếu lý lịch. Lý do phường cho hay là tôi đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự.
Vũ Phi
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, điều 1 Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Bên cạnh đó, các trường hợp được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ cũng được quy định tại Điều 3 và điều 4 Nghị định 38/2007/NĐ–CP gồm: người chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ; là lao động duy nhất phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Giáo dục 2005; con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1, con của bệnh binh hạng 1...
Đối chiếu các quy định này, bạn vẫn trong độ tuổi thực hiện nghĩa quân sự và nếu không thuộc một trong các trường hợp được miễn nhập ngũ hay tạm hoãn nhập ngũ thì nếu có lệnh gọi nhập ngũ vẫn phải làm nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
Về việc “xác nhận lý lịch của công dân” tại UBND phường:
Sơ yếu lý lịch là những thông tin về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh chính trị-xã hội, trình độ văn hóa chuyên môn, quá trình tham gia công tác... của công dân. Sơ yếu lý lịch thường được sử dụng vào mục đích học tập hoặc tuyển dụng việc làm, do vậy sơ yếu lý lịch (theo mẫu) cần phải ghi đầy đủ diễn biến quá trình hoạt động, công tác của công dân đến thời điểm nhất định.
Về thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch, khoản 7 và khoản 9 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 quy định, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn: “Thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch; Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp luật”.
Về nguyên tắc, những nội dung cụ thể có liên quan thông tin về hộ tịch, cư trú của công dân trong sơ yếu lý lịch thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND, UBND cấp xã nơi công dân có đăng ký thường trú là cơ quan có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch.
Khi chứng thực sơ yếu lý lịch tại UBND, công dân phải xuất trình bản chính Giấy chứng minh nhân dân, bản chính Sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác có liên quan đến hộ tịch, cư trú như Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch… để cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, xác minh cụ thể đối với sơ yếu lý lịch của công dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân và trách nhiệm chứng thực sơ yếu lý lịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, do hai cơ quan khác nhau thực hiện. Việc chứng thực sơ yếu lý lịch như đã nói ở trên là do UBND cấp phường, xã tiến hành; còn việc xác định đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự là thẩm quyền của Ban chỉ huy quân sự cấp phường, xã.
Như vậy, việc bạn chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự không liên quan đến việc chứng thực sơ yếu lý lịch. Do đó, nếu bạn không có hành vi trốn tránh việc gọi nhập ngũ thì việc UBND phường nơi bạn đăng ký thường trú “không chịu ký xác nhận lý lịch” của bạn với lý do bạn “đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự” là không đúng quy định của pháp luật.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội