Khi cử nhân đi học làm thợ

Ngày nay, Trung cấp nghề lại là con đường hiệu quả nhất để lập nghiệp thành công trong thời buổi “thừa thầy thiếu thợ” này.

Đại học không còn là “con đường” duy nhất để vào đời

Đã qua rồi cái thời mà 2 câu vè “Nhất Kiến Nhì Kinh, Tam Tin, Tứ Luật”, “Nhất Y , Nhì Dược, tạm được Bách Khoa” là “tuyên ngôn” của những thí sinh thi ĐH, khi mà hiện nay hai từ “thất nghiệp” đang treo lủng lẳng trên đầu những sinh viên tốt nghiệp ra trường những năm gần đây. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên hậu tốt nghiệp CĐ-ĐH năm 2010 đã đến con số báo động là gần 40% và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hệ quả của việc xuất hiện thêm gần cả trăm trường CĐ-ĐH từ 2005 đến nay là chất lượng đào tạo kém hiệu quả, chương trình đào tạo thì “chấp vá” và “nửa vời”; khiến lứa sinh viên trúng tuyển vào giai đoạn 4 - 5 năm về trước khi xưa “vui mừng” bao nhiêu thì bây giờ họ phải chịu “khổ” bấy nhiêu. Phần lớn họ không may rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, với trình độ học vấn và năng lực làm việc lơ lửng “thầy không ra thầy” mà “thợ cũng không ra thợ”, vấn nạn này đã tồn tại lâu trong thị trường lao động Việt Nam mà vẫn chưa thể khắc phục được phần nào.
Hệ quả tiếp theo của tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là “cử nhân học làm thợ”. Đây chỉ là “giọt nước làm tràn ly” của một cái vòng tròn lẩn quẩn không hồi kết. Việc không định hướng rõ ràng cho học sinh ngay từ ghế nhà trường phổ thông đã tạo nên tư tưởng “ĐH là con đường duy nhất để vào đời”, và chê “học Trung cấp không sang bằng ĐH”, điều này đã ăn sâu vào tư tưởng bao thế hệ người Việt. Những tân cử nhân tràn đầy hoài bão đến khi tốt nghiệp, họ mới ngỡ ngàng nhận ra những gì mình học suốt 4-5 năm tại giảng đường đã trở thành hoài công vô ích, áp lực “tồn tại” buộc họ phải chọn con đường “cử nhân học làm thợ” trong sự tiếc nuối và cay đắng của thời tuổi trẻ bồng bột.

Trung cấp nghề “con đường hiệu quả nhất” để lập nghiệp thành công trong lúc này

TS Đặng Thanh Vũ – Hiệu Trưởng Trung cấp nghề Việt Giao (193 Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM) thẳng thắn phân tích cho thấy: chúng ta hãy cùng xem qua bài so sánh nho nhỏ sau đây giữa việc học Trung cấp rồi liên thông CĐ-ĐH trong 5-6 năm và học ĐH 4-6 năm. Nếu bạn chọn học Trung cấp trong 2 năm rồi vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm, hiện nay nhiều trường Trung cấp đều hỗ trợ sinh viên tìm việc làm thêm trong khi học. Sau đó bạn tiếp tục vừa học vừa làm trong khi học liên thông lên CĐ-ĐH thêm 3 hoặc 4 năm nữa. Tuy phải trải qua một chặng đường khá dài để đạt được thành quả là tấm bằng ĐH nhưng bạn có 3 lợi điểm hơn so với những sinh viên ĐH mới ra trường.
Thứ nhất là bề dày kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành nghề bạn đang học. Thứ hai là bạn vừa học vừa làm sẽ có thêm một khoản chi phí để trang trải, nó cũng phù hợp với những hoạt động trong giới sinh viên của các nước tiên tiến trên thế giới. Thứ ba, việc chọn học liên thông CĐ-ĐH theo từng giai đoạn giúp bạn có cơ hội suy xét lại nhiều hơn sinh viên ĐH 2-3 lần trong việc chọn được trường ĐH tốt, trong khi đó sinh viên ĐH chỉ có 1 cơ hội để chọn lựa. Việc vừa học vừa làm, vừa tích lũy kiến thức chuyên môn vừa năng cao năng lực làm việc sẽ là điểm cộng của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Theo xu thế hiện nay, những nhà tuyển dụng phải tiết kiệm chi phí nhân sự cho từng nhân viên được tuyển vào, tức là họ rất ngại phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường rồi mới có thể sử dụng được.
Chia sẻ thêm ở khía cạnh này, chuyên gia tư vấn Nguyễn Minh Trang cho rằng có một số bạn lại suy nghĩ chọn một ngôi trường CĐ-ĐH “thường thường bậc trung”, hay trường mang đẳng cấp “ao làng” cho phù hợp với yêu cầu “học cho có” bằng ĐH của bạn, trong khi chất lượng đào tạo “chắp vá”, bị “thổi phồng” và đầy “hạt sạn” thì bạn đang chọn lựa chọn một cách đầu tư sai lầm cho tương lai của chính mình. Rồi thành quả bạn đạt được sau 4 năm học ĐH có thể sẽ là cảnh “chạy ăn từng bữa” với một công việc trái nghề, hoặc một công việc đúng nghề nhưng lương thấp, do những gì bạn thật sự học được quá ít so với những gì công việc thực tế yêu cầu; hoặc xa hơn, bạn buộc phải chọn lựa con đường học lại, nếu không bạn sẽ sớm bị đào thải.
Điều này còn chưa kể đến sự “hụt hẫng”, “tiếc nuối”, “cay đắng” khi đối diện với thực tế nghiệt ngã sẽ làm tinh thần bạn sa sút, trì trệ, gây ảnh hưởng đến lý tưởng và hoài bão thời tuổi trẻ của bạn. Dù bạn rơi vào tình trạng nào được nêu trên thì bạn cũng đã làm lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình và của chính bản thân bạn. Đó chính là điều sẽ làm bạn ray rứt một thời gian dài.
Con đường không “sang trọng” nhưng lâu bền
Nếu bạn lo sợ về vấn đề: “học trung cấp không sang bằng ĐH” thì bạn đang có suy nghĩ sai lệch. Không có trường học nào thấp kém, không có nghề nghiệp nào hèn hạ, điều quan trọng chính là sự lựa chọn của bản thân bạn, không ai có thể thay thế quyền quyết định của chính bạn. Bạn đang tìm kiếm một con đường thành công cho bản thân, một con đường thăng tiến hiệu quả nhất và vững chắc cho tương lai của bạn thì bạn không nên ngại ngùng và lo lắng cho vấn đề “sĩ diện”. Nhiều doanh nhân nổi tiếng trên thế giới vẫn giàu có và thành đạt dù họ không có trong tay tấm bằng ĐH, họ cũng trải qua muôn vàn khó khăn do “không học cao” nhưng họ vẫn thành đạt, tất cả họ đều có điểm chung là tinh thần cầu tiến và nỗ lực không ngừng. Chỉ cần bạn có tinh thần cầu tiến và sự nỗ lực không ngừng như họ, không ngại khó ngại khổ thì thành quả “trái ngọt” sẽ rất nhanh đến với bạn.

Tóm lại, khi chọn lựa học trung cấp, bạn đã chọn lựa cho mình “con đường hiệu quả nhất” để thành đạt sau này. Dù bạn vấp phải sự phản đối từ bất kì ai, dù mức xuất phát điểm của bạn rất thấp và không “sang trọng” như nhiều người nhưng hiệu quả về lâu dài của quyết định này sẽ làm bạn hài lòng.

-----Nguồn Internet-----

Sinh viên trường nghề sẽ có cơ hội liên thông lên hệ chính quy

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ TC, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Đây sẽ là cơ hội để sinh viên các trường nghề có thể học lên các cấp học cao hơn và nhận bằng chính quy.
Sinh viên trường nghề sẽ có cơ hội nhận bằng ĐH, CĐ chính quy

Theo dự thảo thì những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.
Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thời gian đào tạo liên thông dành cho đối tượng sinh viên các trường nghề sẽ tương đương với sinh viên học các hệ chính quy. Cụ thể đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên trình độ cao đẳng và từ cao đẳng nghề lên trình độ đại học được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học. Đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên trình độ đại học được thực hiện từ ba đến bốn năm học.
Cũng theo dự thảo thì trường cao đẳng, đại học được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học phải đảm bảo các điều kiện đã có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng, đại học. Đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.
Các trường cao đẳng, đại học có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, cao đẳng nghề với chương trình đào tạo cao đẳng, đại học của cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên cao đẳng, đại học.
Dự thảo cũng nhấn mạnh, việc cấp văn bằng tốt nghiệp cho người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học thực hiện theo các quy định của Bộ GD-ĐT.

Quy định về cấp bằng khi đào tạo liên thông
Theo quy định đào tạo liên thông thì người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy.
Người học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.


-----Nguồn Internet-----

Học một ngành, làm một nghề

Trái ngành, trái nghề dường như đang là một xu hướng rất phổ biến trong cộng đồng sinh viên.Không kiếm được công việc hợp với chuyên ngành
Số lượng sinh viên ra trường với tấm bằng đại học khá hay giỏi, không đồng nghĩa với việc tất cả các bạn sẽ có một công việc tương ứng với những gì mình đã học. Hiện tại, xã hội đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp ngày một gia tăng, sinh viên không kiếm được viêc làm đúng với nguyện vọng của chính bản thân. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, thì không chỉ riêng sinh viên mới ra trường, đặc biệt là những sinh viên khối Kinh tế bị ảnh hưởng, mà những công nhân viên chức dù đang có công việc ổn định vẫn canh cánh nỗi lo bị sa thải. Vậy thì thay vì cứ chờ đợi một chức Kế toán hay nhân viên Tài chính, các bạn lại chọn một ngã rẽ khác an toàn hơn cho chính mình.
Không thích thú và cảm thấy phù hợp với chuyên ngành
Dường như đây không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà nó "phủ sóng" rộng rãi trong cộng đồng sinh viên ngày nay. Có đến 8 trong số 10 bạn cho rằng: “Mình cảm thấy không phù hợp/ không thích chuyên ngành mình đang học. Mình thích cái này hơn, mình hứng thú cái kia hơn”
12 năm học đầy vất vả, chỉ còn chặng đường vượt vũ môn cuối cùng, và mặc dù vẫn được sự hỗ trợ tư vấn đầy đủ từ cha mẹ, thầy cô,... nhưng các bạn học sinh sinh viên vào thời điểm đó vẫn chưa thể vạch ra hướng đi rõ ràng cho tương lai sau này của mình. “Lúc đó mình chỉ quan tâm việc đậu đại học đã, còn chuyện học ngành gì làm nghề gì chẳng qua là nghe sao làm vậy thôi” – L.A, cô bạn sinh viên năm 3 trường ĐH KHTN tâm sự - “ Thành ra trong quá trình học đại học cũng bị áp lực nhiều lắm, phần vì mình không thích nên miễn cưỡng học cho xong”.
Ngày trước khi còn có cơ hội lựa chọn thì lại không biết mình thích gì, muốn gì và chọn gì. Cho đến khi rõ ràng được khả năng của bản thân phù hợp với môi trường nào, sự thích thú quan tâm dành cho ngành nghề nào, thì đã không còn thời gian để lựa chọn.
Tạm kết
Trái ngành có thể mang đến một công việc đúng theo ý muốn và sở thích và bản thân, nhưng có phải ai cũng có thể “trái ngành” được hay không? Phần lớn các công ty, doanh nghiệp đều mong muốn tuyển dụng những gương mặt xuất sắc nổi trội, điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên phải có kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, cũng như kinh nghiệm trong ngành nghề này. Việc trái ngành trước mắt đã là hạn chế, đặc biệt sẽ là hạn chế lớn đối với những sinh viên từ học khối ngành này lại “nhảy” sang công việc chẳng có tí phần trăm nào liên quan.
Trái ngành không chỉ đơn giản cứ thích là thực hiện được. Tuy nhiên, các bạn vẫn có thể tự trau dồi cho bản thân mình những kiến thức nền tảng thông qua những khóa học đào tạo ngắn hạn, tham gia trở thành những cộng tác viên, thực tập sinh tại các công ty hay doanh nghiệp. Có thể vào thời điểm ban đầu khi quyết định chuyển hướng, các bạn sẽ ít nhiều gặp phải những khó khăn, hoang mang, nhưng hãy cứ từ từ từng bước một tìm ra lối đi cho mình, hỏi thăm ý kiến những người đi trước, tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm căn bản. Nếu có niềm đam mê thực sự, cộng với sự cố gắng không ngừng nghỉ, nhất định các bạn sẽ gặt hái được thành quả!

-----Nguồn Internet-----

Vào lớp 10 không phải là con đường duy nhất

Ngày 18.5, Ngày hội tư vấn tuyển sinh lớp 10 và hướng nghiệp, phân luồng sau THCS đã được tổ chức tại Trường THCS Ngô Tất Tố (Phú Nhuận) với sự tham dự của 12 trường THCS, THPT cùng hàng trăm phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10.

Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TPHCM năm học 2014-2015 khoảng 62.000 học sinh (HS) nhưng dự kiến có khoảng 76.000 HS tốt nghiệp THCS. Như vậy, sẽ có khoảng 14.000 HS rớt lớp 10 công lập. Hơn nữa, năm nay thành phố xóa bỏ hình thức xét tuyển nên theo dự đoán của nhiều chuyên gia, kỳ thi này sẽ căng thẳng hơn năm học trước. Vì thế, công tác tư vấn và phân luồng học sinh từ lớp 9 đang rất được chú trọng.
Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GDĐT quận Phú Nhuận cho biết, để thực hiện được chỉ thị của Bộ Chính trị về mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, đồng thời để nâng cao nguồn nhân lực, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh lớp 9 nhằm giúp phụ huynh và học sinh định hướng chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, vào lớp 10 không phải là con đường duy nhất dành cho các em học sinh tốt nghiệp THCS. Ông đưa ra dẫn chứng: “Hiện đang có 18.000 cử nhân thất nghiệp, mỗi năm lại có thêm hàng chục học sinh đang học THPT bỏ học nên các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng nếu con mình không vào được lớp 10 thì sẽ không làm được việc gì. Nếu các em không có đủ khả năng vào được lớp 10 công lập thì vẫn còn rất nhiều con đường khác như học dân lập, học trường nghề, học các chương trình vừa văn hóa, vừa sơ cấp nghề như 9+3… miễn sao các trường đó phù hợp với khả năng của con mình. Các vị phụ huynh đừng biến việc học của con thành một “cuộc chiến” ganh đua của mình. Không ai có thể quyết định được hạnh phúc và thành công thay cho con cái, vì thế hãy tỉnh táo và nên có sự bàn bạc, tôn trọng sự lựa chọn của các em học sinh”.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa chia sẻ, phụ huynh hiện nay đang có khuynh hướng kỳ vọng quá cao vào con, bắt con thi những trường có điểm chuẩn cao nên năm nào cũng có một số học sinh rớt lớp 10. Vì thế, các phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ, lắng nghe cách phân tích của giáo viên chủ nhiệm cũng như của các chuyên gia tư vấn để chọn trường phù hợp cho con em mình.
Sở GDĐT TPHCM đã công bố môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT là ngoại ngữ. Thí sinh thi viết ba môn ngữ văn, toán (120 phút/môn) và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật) với thời gian 60 phút trong hai ngày 21 và 22.6.

-----Nguồn Internet-----

Học trung cấp nghề, tương lai vẫn rộng mở


Một số bạn trẻ hiện nay vẫn chọn nghề nghiệp theo một lối mòn của tư duy, đó là bằng mọi giá phải thi được vào đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ), bất kể khả năng của mình đến đâu, cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào.
Trong khi đó, theo thống kê mỗi năm, chỉ có một tỷ lệ khoảng 40% các thí sinh đủ điều kiện bước qua cổng trường ĐH-CĐ. Điều này gây tốn kém cho cả gia đình và xã hội, mặc dù đó là nguyện vọng chính đáng của các bạn trẻ.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Nhiều bạn trẻ đã từng bâng khuâng đứng trước cổng trường đại học nhưng không có sự hình dung đầy đủ về nghề nghiệp sẽ làm trong tương lai, mặt khác lại không có người từng trải giúp đỡ hướng nghiệp một cách đúng đắn. Hậu quả là, không ít cử nhân, sau khi tốt nghiệp ra trường lại nhận ra rằng việc thu nhận kiến thức trên giảng đường và trong thực tế là một khoảng cách xa. Sự nhận biết về chuyên ngành học đã không đúng như thực tế đòi hỏi, thành thử tìm việc làm đúng nghề, đúng nghiệp là quá khó. Không ít người phải ngậm ngùi chia tay với những kiến thức đã dùi mài để làm trái ngành, trái nghề...
Theo một thống kê gần đây của sở Lao động - Thương binh & Xã hội một thành phố lớn, chỉ có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ra trường có công việc đúng hoặc gần với chuyên ngành được đào tạo, còn 30% muốn tìm một việc làm khác, 40% chưa tìm được việc làm.
Nắm bắt điều này, nhiều bạn trẻ rất thức thời nhận diện nhanh xu thế phát triển của thời đại và chọn ngay cho mình một nghề để phát triển sự nghiệp. Thị trường lao động Việt Nam đang chuyển hướng rất nhanh. Các nhà tuyển dụng chú trọng nhiều hơn đến kỹ năng làm việc, hiệu quả công việc hơn là đặt nặng vào bằng cấp, nơi tốt nghiệp của người học. Và thực tế đã chứng minh, nhiều người học ĐH-CĐ sau khi tốt nghiệp một vài năm, vẫn loay hoay tìm việc làm, trong khi đó, người học nghề nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với mức thu nhập khá cao và gặt hái được rất nhiều thành công trong cuộc sống.
Nên học nghề gì?
Nền kinh tế còn nhiều khó khăn và nhiều khả năng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong những năm sắp tới, thật khó tin rằng các công ty vẫn tuyển dụng nhân sự ồ ạt. Theo lý giải của các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, do sự phức tạp ngày càng tăng của thị trường lao động và nhu cầu phát triển không ngừng của người sử dụng lao động, nhiều ngành vẫn mở ra những cơ hội tuyệt vời dành cho các ứng viên. Trong đó, theo các chuyên gia, vẫn có những ngành nghề hiện nay đang có nhu cầu tuyển dụng khá cao như: ngành Quản trị Knh Doanh, Công nghệ thông tin, Quản trị mạng, Thiết kế Đồ Họa…
Đây sẽ là cơ hội để các bạn trẻ vươn tới thành công bằng cách học tập tại các trường nghề bởi đây là con đường ngắn nhất, đòi hỏi kỹ năng thực tế cuộc sống hơn là những kiến thức khô khan, “bác học”… được học tập tại các giảng đường. Hơn nữa, học tập tại các trường nghề bạn trẻ được “cầm tay chỉ việc”, mang những kiến thức khô khan áp dụng vào ngay thực tế để các bạn trẻ hiểu và tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp được đào tạo.
“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” - bạn trẻ nên cân nhắc khi lựa chọn một tương lai tươi sáng cho riêng mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn một cơ sở đào tạo nghề có chất lượng là yếu tố không kém phần quan trọng, nó quyết định cơ hội việc làm và sự nghiệp của bạn. Một trong số những trường trung cấp nghề có uy tín chuyên đào tạo những nhóm ngành trên mà các bạn học sinh và gia đình có thể tin tưởng là trường Trung cấp nghề TM.Computer (565 Trương Công Định, Phường 7, Tp.Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu)- một điểm đến để tạo lập tương lai bền vững.

Bạn chọn: Bằng cấp hay Kiến thức ?




Có bằng cấp cao thì dễ xin được việc làm tốt, nhưng cái quyết định hiệu quả công việc lại là kiến thức. Bạn là một sinh viên nhưng có thật sự bạn đang học để tích lũy kiến thức hay chỉ đến lớp điểm danh mỗi ngày và chờ đến ngày nhận bằng?

Trước đây, xin việc là phải có bằng, bằng càng cao thì càng dễ xin việc. Nhiều công ty trước đây tuyển một vị trí công nhân sửa chữa bảo trì cũng đòi hỏi ứng viên có bằng cao đẳng, hay tuyển thư ký cũng cần bằng đại học. Người học cần phải có bằng cấp thật cao, thật nhiều nhưng thực tế lại không cần thiết trong công việc. Dẫn đến tình trạng thừa kỹ sư, cử nhân mà thiếu công nhân, thiếu người thợ. Người học tuy trình độ khác nhau nhưng ai cũng phải lo cho xong phần mình là phải có đủ mọi loại bằng thì mới mong tìm được việc. Điều đó dẫn đến thói quen học tập rất thụ động trong phần lớn sinh viên (SV).
Nhưng ngày nay ...
Nếu trả lời câu hỏi: “Bạn đi học vì bằng cấp hay kiến thức?” Chắc hẳn không ít SV sẽ dễ dàng xác định mục tiêu hàng đầu của mình là kiến thức. Ai cũng hiểu được tầm quan trọng của kiến thức và kỹ năng thực sự trong công việc. Trong bối cảnh đất nước mở cửa ngày càng nhiều, kinh tế thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh khốc liệt, xã hội chỉ dung nạp những con người giỏi thực sự và con người sẽ được trả công xứng đáng với những gì mình cống hiến. Không nhà đầu tư nào muốn bỏ ra một khối tiền để trả lương cho những người không có năng lực, hay trả lương theo bậc kỹ sư để con người đó làm những công việc của một công nhân. Vì vậy, năng lực làm việc thực sự của người lao động ngày càng được đề cao. Mà năng lực đó phải được xây dựng và phát triển dựa trên nền móng là kiến thức mà bạn đã được học không chỉ trên ghế nhà trường mà còn trong những hoạt động thực tế. Học để lấy kiến thức ngày càng là điều tất yếu đối với tất cả mọi người.
Hãy học vì kiến thức
Xác định mục tiêu học để tích lũy những gì cần thiết cho công việc mai sau, bạn hãy học một cách tích cực và chủ động. Nhiều SV ngày nay vẫn còn hay đổ lỗi tất cả cho chương trình giáo dục lỗi thời hay phương pháp tổ chức giảng dạy cổ hủ và so sánh nhiều với SV nước ngoài có những ưu tiên lợi thế trong học tập mà không nhận ra rằng chính bản thân của mình đang rất thụ động. Kiến thức ở mọi nơi xung quanh ta, phải thu gom, phải chủ động nắm bắt lấy nó. Không nên vì chương trình giáo dục lỗi thời, phương pháp lạc hậu mà cũng lạc hậu, lỗi thời theo.
Học chủ động là như thế nào?
Đầu tiên là bạn hãy tự học. Đừng đợi kiến thức do thầy cô mang đến nhồi nhét vào đầu bằng cách đọc chính tả. Thầy cô chỉ là những người hỗ trợ bạn trong việc học tập. Hãy tìm hiểu thật nhiều, đọc sách thật nhiều, trau dồi nhiều bài tập và tài liệu liên quan đến môn học của mình. Chủ động thắc mắc, tự giải đáp thắc mắc và trực tiếp tham khảo ý kiến của thầy cô. Hãy làm quen với thư viện trường và giành nhiều thời gian ở đó. Lập nhóm học tập, cùng nhau trao đổi sẽ tạo sự hứng khởi và mang lại hiệu quả học tập cao.
Hãy tham gia những khóa học ngắn hạn để trau đồi những kỹ năng xung quanh chuyên ngành học của mình. Ngày nay, trong công việc, những kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng để bạn hoàn thành công việc của mình và thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp. Kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình... hay những khóa học về ngoại ngữ, tin học.
Nhà tuyển dụng ngày càng đánh giá cao những kỹ năng này. Người ta cho rằng, trong thành công của người lao động ngày nay chỉ có 25% là từ kiến thức trên ghế nhà trường còn 75% là từ những kỹ năng mềm kể trên. Do đó, đây cũng là những kiến thức cần thiết mà bạn phải tích lũy song song với kỹ năng cứng từ trường chính quy. Tuy nhiên, dù học cái gì bạn hãy cố gắng thật sự để lãnh hội nó, không thôi bạn lại đi vào vết xe đổ là chạy theo bằng cấp đấy nhé.
Một công việc bán thời gian phù hợp chuyên ngành đang học vừa để chi tiêu thêm trong đời sống SV, vừa để trau dồi và thực hành trực tiếp những kiến thức khô khan trên giảng đường và học hỏi thêm những kiến thức thực tế luôn là sự yêu thích của SV. Bạn sẽ có cơ hội cọ sát với môi trường làm việc của doanh nghiệp, vừa kiếm thêm thu nhập cho mình. Hãy thử tưởng tượng sau này khi ra trường, bạn viết vào lá đơn xin việc những kinh nghiệm bạn đã có qua hàng loạt công việc bán thời gian trong thời gian bạn còn đi học, điều đó sẽ thu hút nhà tuyển dụng như thế nào. Nhưng hãy cẩn thận, đừng quá ham mê làm thêm quá mà bê trễ nhiệm vụ chính của SV là học tập nhé.

Có vẻ như có rất nhiều cách để bạn học tập một cách chủ động mà tích lũy cho mình kiến thức và kỹ năng thật sự. Nhưng tất cả sẽ không thành công nếu bạn không bắt đầu ngay từ lúc này. Hãy phát huy thế mạnh sức trẻ để thu gom thật nhiều kiến thức. Bạn sẽ có một thời khóa biểu bận rộn nhưng không kém phần thú vị. Hãy để bằng cấp làm đúng nhiệm vụ của nó là chứng minh giá trị thực của bạn còn giá trị thực của bạn sẽ đảm bảo cho bạn một tương lai thành công.
-----Nguồn Internet-----