Khi giận dữ với đồng nghiệp

Các cuộc tranh luận nơi công sở, những bất đồng trong công việc, thái độ quá đáng của một đồng nghiệp nào đó đôi khi cũng khiến bạn "nổi cơn tam bành". Khi đó, bạn sẽ phản ứng thế nào? Qua mỗi lần giận dữ, đồng nghiệp sẽ biết được tính cách của bạn đấy.

Bỏ đi nơi khác

Khi giận dữ, nhiều người muốn tránh xung đột bằng cách bỏ đi. Thái độ cư xử này khiến đối phương không còn ai để gây gổ, buộc phải im lặng, nhìn lại bản thân hoặc ngồi đó gặm nhấm nỗi tức giận. Nếu bạn có phản ứng này chứng tỏ bạn khá cao ngạo nhưng rộng rãi, "dĩ hoà vi quý", không thích đôi co. Cách này khiến môi trường làm việc của bạn bớt những cuộc cãi vã không đáng có.

Lời nói cay nghiệt

Nhiều người thường dùng lời lẽ để trút giận. Những lời nói cay nghiệt thật ra không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm hỏng mối quan hệ đồng nghiệp của bạn thôi vì khi đó đối phương cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, khó có thể bỏ qua.

Bạn thường xử sự như vậy ư? Vậy thì trong mắt đồng nghiệp, bạn là người hiếu thắng, nóng tính, đôi khi suy nghĩ nông nổi nhưng cũng dễ quên, dễ tha thứ. Bạn thật ra cũng biết tự nhận lỗi sau khi đã hết giận.

Hành động

Điều này thường hay xảy ra với nam giới. Họ không đè nén được cảm xúc, phải bộc lộ ra ngoài bằng cách đập phá đồ đạc, thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với đối tượng đang xung đột với mình. Tuyệt đối đừng phản ứng thế này ở công sở. Đồng nghiệp không phải là người nhà của bạn, họ không thể hiểu nổi tại sao bạn lại cuồng nộ lên như thế. Còn sếp thì càng không thể chấp nhận một nhân viên sẵn sàng đập phá mọi thứ khi tức giận.

Đây là mẫu người hướng ngoại, tính tình nóng nảy, thiếu kiềm chế. Vì tính cách này, các đồng nghiệp không thích chơi với họ.

Nước mắt

Khi hờn giận, nhiều người (chủ yếu là phụ nữ) chỉ biết khóc. Họ tự an ủi mình bằng nước mắt và cho đó là vũ khí để chứng minh sự ấm ức. Bạn khóc ở cơ quan cũng chẳng sao, nhưng đừng yếu đuối quá trước mặt đồng nghiệp, họ có thể mủi lòng nhưng cũng dễ coi thường bạn. Nên cứng rắn hơn để giải quyết được mâu thuẫn.

Nếu bạn hay rơi nước mắt khi tức giận đồng nghiệp, bạn là người giàu cảm xúc nhưng nhu nhược, yếu đuối, thậm chí bạn không biết cách tự bảo vệ mình.

Im lặng

Im lặng là cách cư xử khôn ngoan của những người làm chủ được cảm xúc. Họ biết trước hậu quả tệ hại nếu phản ứng tức thời nên tự rút lui. Khôn ngoan hơn, họ đợi đến khi bản thân và đối phương cùng "hạ nhiệt" mới gợi lại chuyện.

Đây là người biết cách hành xử, bình tĩnh trước mọi tình huống và dễ đạt được những thành công lớn. Dù đang rất giận bạn thì đồng nghiệp vẫn cảm thấy khâm phục cách cư xử của bạn.

Làm hoà

Kiểu phản ứng này chỉ có ở những người điềm tĩnh, chín chắn, luôn độ lượng với mọi người. Dù bực tức đến đâu, họ vẫn giữ được bình tĩnh và cố gắng thuyết phục đối tượng bằng lời lẽ nhẹ nhàng, có tình, có lý.

Đây là mẫu người hoà nhã, khôn khéo. Họ "biết người biết ta" nên "trăm trận trăm thắng".
Nguồn Internet

Chiếc lá hoàn hảo

Một lần tham gia một lớp học ngoại khóa, tôi đã được nghe câu chuyện về "lá cỏ hoàn hảo". Câu chuyện ấy đã làm tôi thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ. Câu chuyện ấy thế này: “Có một cậu sinh viên và một người Thầy lớn tuổi đang trao đổi với nhau về sự hoàn hảo.
Chàng thanh niên với sức khỏe và lòng nhiệt huyết luôn muốn đi tìm cho mình mọi sự hoàn hảo. Người Thầy đã chú ý lắng nghe và thấu hiểu cậu sinh viên. Với bao nhiêu năm sống và hiểu biết bao chuyện xảy ra, ông nhẹ nhàng nói với cậu sinh viên:
- Tôi có thể đề nghị cậu làm một việc không, con trai?
- Dạ. Cháu rất sẵn lòng.
- Phía trước mặt chúng ta là sân cỏ. Cậu có thể ngắt cho tôi một lá cỏ mà cậu cho là đẹp nhất và hoàn hảo nhất không? Với điều kiện cậu chỉ được đi thẳng về phía trước và chọn, không được bước lùi lại.
Cậu thanh niên đứng dậy và bắt đầu tìm kiếm. Bước bước chân đầu tiên vào sân cỏ, cậu nhìn xuống chân và thấy một lá cỏ thật xanh mướt, cậu toan đưa tay định ngắt lá cỏ. Nhưng… cậu phóng tầm mắt lên phía trước, toàn một màu xanh ngắt và những lá cỏ đẹp hơn.
Cậu thanh niên bắt đầu bước tiếp bước chân thứ 2… rồi bước chân thứ 3… nhưng cũng như những lần trước, khi định ngắt những lá cỏ dưới chân, cậu lại thấy những lá khác phía trước…
… Cứ thế…
… Cứ thế…
Cậu rảo bước, tìm kiếm… tìm một lá cỏ thật hoàn hảo. Nhưng… cậu có biết đâu, mãi mê tìm kiếm, cậu đã đi đến phía bên kia khoảng sân. Ở bước chân cuối cùng ấy, với một khoảng cỏ nhỏ nhoi trước mặt, cậu đành ngắt một lá cỏ đẹp nhất trong đó và trở lại nơi người thầy. Mặt cậu không còn hào hứng như lúc đầu, có lẽ cậu đã hiểu ý nghĩa công việc cậu vừa làm. Lặng lẽ đến bên người Thầy, cậu đưa ra lá cỏ. Cầm lá cỏ trên tay, người Thầy mỉm cười hiền hòa bảo cậu ngồi xuống và nhẹ nhàng:
Thế đấy con trai. Trong cuộc đời mỗi con người là vô số sự lựa chọn. Cũng như lựa chọn một lá cỏ, nếu con biết bằng lòng và không mãi tìm kiếm hẳn con đã có được một lá cỏ hoàn hảo hơn rồi. Con người cũng vậy, họ luôn để cơ hội qua đi rồi mới bắt đầu nuối tiếc. Hãy suy nghĩ về câu chuyện ngày hôm nay, con trai nhé!”.

Thật ra, luôn có sự hoàn hảo. Chỉ là bản thân mỗi người không tự bằng lòng với sự hoàn hảo ấy. Chợt nhớ đã nghe đâu đó: “đừng để đến khi vụt mất rồi mới vội quay lưng tìm kiếm”

Sự tự tin: Tố chất cần phải có để thành công


Tự tin có thể khắc phục mọi khó khăn, tự tin là trọng tâm trong tất cả mọi hoạt động để đi đến thành tựu. Mỗi khi bạn tin tưởng “mình có thể làm được” thì tự nhiên sẽ nghỉ ra cách “mình sẽ làm như thế nào?”. Vậy khi là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn nên làm gì để đào luyện sự tự tin cho mình?  

Sau đây là những “nguyên tắc” cơ bản mà bạn nên thực hiện hàng ngày trong môi trường học đường.

1) Ngồi hàng ghế đầu trong lớp:
Vì sao các bạn thích ngồi ở những hàng ghế phía sau? – Vì các bạn sợ hãi rằng mình sẽ quá nổi bật, nguyên nhân chính là vì thiếu lòng tự tin: các bạn sợ đặt mình vào một vị trí mà người khác có thể sẽ dễ dàng thấy mình thất bại. Nhưng có sự thành công nào mà không liên quan đến sự nổi bật? Vì vậy, bạn hãy bắt đầu áp dụng nguyên tắc 1: Luôn ngồi ở những hàng ghế trước để xây dựng lòng tự tin, dù xuất hiện ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên ngồi sát hàng ghế đàu, không sợ bị nổi bật.

 2) Thể hiên tài năng của mình khi có dịp:
Nếu chúng ta có khả năng dù chỉ là đủ để vui chơi như: chơi bóng, nhảy múa, ca hát, đánh đàn, ngâm thơ…thì cũng đừng e ngại thể hiện tài năng của mình trước mặt người khác. Đó không phải là chơi nổi, hợm mình hay thiếu khiêm nhường; khiêm nhường và làm bộ khiêm nhường là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì thể, nếu hành động của bạn không gây phương hại cho người khác thì hãy mạnh dạn thể hiện mình, nó có tác dụng rất lớn cho việc xây dựng lòng tự tin của bạn. Bạn sẽ tự tin hơn khi thấy mình có khả năng và sẽ rất phấn khởi khi bạn mang lại niềm vui cho người khác.

Hãy yêu thương sẽ hạnh phúc

3) Học cách nhìn thẳng vào người khác:  
Tránh né ánh mắt của người khác có ý nghĩa là: bạn có cảm giác có tội, hoặc đã làm những việc mà bạn không muốn cho đối phương biết; Không dám nhìn thẳng người nói chuyện bởi bạn cảm thấy tự ti, không thể so sánh được với người đó, đó đều là những biểu hiện không tốt. Bạn hãy nhìn thẳng vào người khác khi giao tiếp, nó không chỉ giúp bạn giành được sự tin tưởng, tín nhiệm bởi nó mang ý nghĩa chân thành, quang minh chính đại mà nó còn củng cố thêm lòng tự tin của bạn.  

4) Rèn luyện tài ăn nói:
Dù bạn có muốn hay không, bạn vẫn luôn phải thông qua ngôn ngữ để thể hiện chính mình ra bên ngoài. Đây là những cơ hội cho bạn thử sức và đào luyện sự tự tin tốt nhất. Bạn cần phải nói ra được những lời nói tự đáy lòng mình, không quan tâm là nó có “trí tuệ” hay không, hẳn nhiên là bạn sẽ không nói những lời vô bổ, lố lăng, phải không? Nhưng, nếu bạn chỉ dám phát biểu khi có đủ các phẩm chất “tưởng tượng” như phải có trí tuệ, phải có trình độ văn hóa, phải cho hay, cho giỏi thì bạn sẽ mãi mãi là con người bình thường. Đã có biết bao nhân tài bị vùi lấp cũng bởi chỉ vì nguyên nhân đó: Không biết và không dám thể hiện mình.

Nếu bạn sẵn lòng đối mặt với nỗi sợ của mình, bạn sẽ có lòng tự tin để có thể thành công trong cuộc sống, bất cứ việc gì bạn làm! Bạn hãy tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp thay vì cứ lo lắng về những khuyết điểm của mình. Bạn hãy bắt đầu ngay với sự lo lắng: “Nếu làm vậy, tôi sợ rằng mình sẽ không phải là người khiêm nhường.”; chẳng có liên quan nào giữa sự khiêm nhường thực sự và ép mình phải giả bộ để khiêm nhường: tôi nên thế này để là khiêm nhường, tôi không nên làm thế kia để có sự khiêm nhường v.v…. Chỉ có sự tự tin, một tổ chất cần phải có để có thể đi đến thành công, sau đó mới có thể có sự khiêm nhường. Vậy bạn hãy đào luyện lòng tự tin cho mình ngay từ lúc này, khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, bạn nhé!

Chúc các bạn luôn vững tin và đạt kết quả tốt trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Tại sao ta không trở nên giàu có ???


Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là “Tại sao nhiều người không trở nên giàu có?”. Ở một nước như nước Mỹ với các cơ hội chúng tôi có, tại sao lại có quá ít người lúc về hưu có được tiền bạc sung túc? Cuối cùng tôi (Brian Tracy) mới tìm được câu trả lời. Sau đây là 5 lý do tại sao người ta không trở nên giàu có

Nơi xuất thân

Trước hết, lý do hàng đầu là sự giàu có chưa bao giờ nảy sinh trong đầu họ. Một người bình thường lớn lên trong một gia đình mà người ấy chưa hề gặp hoặc quen biết một người nào giàu có, người ấy chỉ biết đi học và quan hệ xã hội với những người bình thường khác. Rồi cùng làm việc với những người chẳng giàu có gì và chơi chung với những người bình thường như người ấy thì người ấy sẽ chẳng sao có được thần tượng về sự giàu có. Nếu tình trạng này xảy ra với bạn trong suốt giai đoạn ban đầu cuộc đời mình cho tới lúc 20 tuổi, bạn có thể lớn lên và trở thành một người hoàn toàn trưởng thành trong xã hội mà khát vọng làm giàu chưa lần nào lóe lên trong ý nghĩ của bạn; thì khả năng có thể trở nên giàu có đối với bạn cũng như với bất cứ ai sẽ ít có thể xảy ra.

Đây là lý do tại sao những người lớn lên trong gia đình cha mẹ giàu có sẽ có nhiều khả năng trở nên giàu khi ở tuổi trưởng thành hơn những trẻ lớn lên trong các gia đình cha mẹ không giàu có. Sự thành đạt, giàu có là một phần thế giới quan của trẻ trong gia đình cha mẹ giàu có.

Bởi vậy lý do đầu tiên tại sao người ta không trở nên giàu có là vì khát vọng đó chưa bao giờ lóe lên trong suy nghĩ của họ. Và tất nhiên, nếu họ chưa bao giờ nảy ra ý nghĩa đó, thì họ sẽ không bao giờ thực hiện bất kỳ bước đi cần thiết nào để điều đó trở thành hiện thực.

Đưa ra quyết định!

Một lý do khác cũng làm cho người ta không trở nên giàu có là họ chưa bao giờ quyết định thực hiện khát vọng làm giàu. Dù cho một người đọc một cuốn sách chỉ cách là giàu, tham dự một cuộc hội thảo kinh doanh hoặc cộng tác với những người thành công về mặt tài chính, nhưng sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến lúc nào người ấy đưa ra quyết định để thực hiện một việc nào khác. Dù khát vọng làm giàu lóe lên trong ý nghĩ là có thể trở thành giàu nếu người ấy chỉ cần nhất định làm việc gì đó theo một cách của riêng mình, nhưng lại không quyết định thực hiện bước đi đầu tiên thì cuối cùng người ấy vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu bạn liên tục làm việc gì bạn luôn luôn làm, thì bạn sẽ liên tục có được thứ bạn luôn có.

Lý do chủ yếu không đạt được thành công như mong đợi và bị thất bại là phần lớn người ta không đưa ra quyết định để thực hiện đến thành công. Họ chẳng bao giờ quyết định dứt khoát hoặc cầm chắc mình sẽ trở thành giàu có. Họ chỉ dự định, có ý định và hy vọng rồi đây họ sẽ trở nên giàu có. Họ ước mong, hy vọng và cầu trời cho mình làm được nhiều tiền, nhưng chưa bao giờ họ quyết định “Tôi sẽ làm giàu!”. Quyết định này là bước đi đầu tiên quan trọng để trở thành người có tiền bạc sung túc.

Brian Tracy – trích trong Làm giàu theo cách của bạn

Nguồn Internet

Nghệ thuật "PR" bản thân

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu 5 cách giúp bạn nhấn mạnh những thành tựu của mình mà không hề có vẻ như khoe khoang hay kể công:

1.Thu hút sự chú ý của sếp: Nếu sếp quá bận rộn không để ý đến những hành động, đến những sự cố gắng của bạn, cố gắng cập nhật cho sếp bạn về công việc của bạn. Lên kế hoạch cho những cuộc họp hàng tuần, gửi thư điện tử thường xuyên mô tả chi tiết những điều bạn đã làm, liệt kê những vấn đề khác. Tuy nhiên, cố gắng ngắn gọn, súc tính, cung cấp nhiều thông tin và cân bằng. Đừng nói quá nhiều về bạn, hãy nhấn mạnh kết quả công việc tốt đẹp ra sao, trong đó không thể thiếu công sức của bạn.

2. Mở rộng mối quan hệ: Tạm biệt những suy nghĩ cổ hủ, ác cảm đối với ai đó, nỗ lực làm quen với những người khác không trong văn phòng của bạn. Bạn có thể bắt chuyện với họ bằng cách mới họ tham gia trong một dự án toàn công ty, hoặc đơn giản là ngồi trong một cuộc họp. Điều này không chỉ khuyến khích sự hợp tác, mà còn là một cách tự nhiên để nói về những điều bạn đang làm. Quan việc mời những người mới vào dự án hoặc cuộc họp, sự sáng tạo của bạn sẽ được chú ý hơn, và nhớm bạn đang làm việc cũng vậy.

3. Học hỏi kinh nghiệm: Nhiều người cho rằng, hỏi khiến chúng ta trông thật kém cỏi, không có năng lực. Trong thực tế, hỏi kinh nghiệm từ những người khác có thể xây dựng mối quan hệ. Qua việc, hỏi người khác, bạn nhận ra bạn cần phải làm gì, học được những kỹ năng từ các đồng nghiệp. Có thể nói đây các đồng nghiệp rất đề cao và chú ý đến những người luôn có tinh thần học tập.

4. Làm việc theo nhóm một cách hiệu quả
Nếu bạn muốn mình nổi trội và được chú ý, một điều đơn giản đó là cùng góp sức giúp nhóm bạn toả sáng. Theo cách này, bạn sẽ tập trung vào những nỗ lực của cả nhóm và những đóng góp của bạn sẽ được đánh giá một cách chọn lọc.

5. Ăn mừng thành công

Nếu nhóm của bạn hay công ty vừa đạt doanh thu cao, hoặc vừa kết thúc một dự án lớn, hãy tổ chức ăn mừng. Tổ chức các bữa tiệc, in một vài cái áo phông, gửi một vài bức thư điện tử khen ngợi sự nỗ lực của mọi người. Ăn mừng là một cách quảng bá hình ảnh của bạn, tạo nên một không khí tốt cho văn phòng

Thành công không đợi tuổi

Từ cuộc đời mình, từ việc nghiên cứu hơn một trăm người thành công, Zig Ziglar đã đúc kết ra một bí mật vô cùng lớn lao của thành công, đó chính là KHÁT VỌNG.

Khát vọng là nhân tố giúp một người có khả năng trung bình tranh đua thành công với những người giỏi giang hơn. Khát vọng là thành phần “phụ” tạo nên những khác biệt nho nhỏ, và chính trong những khác biệt nho nhỏ đó tạo nên sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống.

Theo “The Executive Speechwriter Newsletter”, khát vọng đã khiến cậu bé Clement Stone kiên trì bán báo trên các góc phố Chicago. Sau đó, chính khát vọng đã biến anh thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ, là chủ nhân của tập đoàn bảo hiểm Châu Mỹ.

Khát vọng đã biến Jim Marshall thành một trong những cầu thủ bất khả chiến bại của bóng bầu dục chuyên nghiệp. Marshall thi đấu 282 trận liên tục và chơi ở vị trí phòng ngự cho đến năm 42 tuổi. Đồng đội Fran Tarkenton của Marshall có lần mô tả anh là “đấu thủ đáng gờm trong bất cứ môn thể thao nào”. Người có khát vọng thì lao động cần mẫn hơn, bị cuốn hút vào mục tiêu của mình và được dẫn dắt bởi niềm khao khát mạnh mẽ muốn trở nên tốt hơn, giỏi hơn. Khát vọng là thành phần phụ thêm vào. Chính sức chênh lệch nhỏ nhoi thêm vào đó đã biến nước thành hơi. Nước 95 độ C đã đủ nóng để pha cà phê. Chỉ thêm 0.5 độ nữa thôi, nước nóng sẽ biến thành hơi để vận hành một chiếc xe lửa lăn bánh khắp đất nước, hoặc khởi động một chiếc tàu hơi nước du hành quanh thế giới. Phần thêm vào nhỏ nhoi đó chính là cái sẽ đưa bạn lên nấc thang cao nhất.

Có khát vọng sẽ thành công

Khát vọng giúp con người có thể vận dụng bất kỳ khả năng nào mà họ có vào bất kỳ công việc nào họ đang làm và tận dụng tối đa. Khát vọng thúc đẩy con người gạt bỏ mọi trở ngại và trao đi tất cả. Nó khiến họ lao hết tốc lực về phía trước mà không gì ngăn trở nổi. Rồi ngày này qua ngày khác, người ghi bàn sẽ là người biết gạt bỏ hết mọi ngăn trở phía trước.

Khi trao đi tất cả những gì mình có, chúng ta có thể sống thật với chính mình - bất kể kết quả ra sao. Nếu không nỗ lực hết mình, chúng ta sẽ phải thốt lên “Giá mà…” – và như thế thật đáng buồn. 

Mỗi một điều mà chúng ta làm, chúng ta hãy làm với hết khả năng của mình, cho dù là tham dự một kỳ thi, đến nhận việc hay tham gia một trận đấu thể thao. Chúng ta hãy làm hết sức mình và thậm chí làm nhiều hơn thế nữa, bởi vì sức mạnh của lòng khát khao là động lực thúc đẩy chúng ta vượt lên chính mình và vươn tới một tầm cao mới. 

Nếu biết sống với khát vọng của mình bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn, khát vọng sẽ giúp bạn có một định hướng vững vàng, có động lực vượt qua những khó khăn, thử thách để làm được những điều bạn mong muốn. 

Trên hành trình đi đến thành công đối với các bạn trẻ hiện nay việc có một khát vọng mãnh liệt nằm trong sức mạnh nội tâm là điều hết sức cần thiết. Nếu không mang trong mình một khát vọng thì bạn khó có thể cảm nhận được dư vị của thành công. Bởi thành công, hạnh phúc là một cảm giác mà ta đón nhận được trên từng chặng đường trải nghiệm chứ không phải là ở một điểm đến. 

Khát vọng mãnh liệt thường gắn liền với một ước mơ rộng lớn mang lại giá trị cho mọi người xung quanh, kèm theo một kế hoạch hành động rõ ràng, một ý chí luôn thôi thúc họ vượt qua những khó khăn trở ngại để làm được những điều họ mong muốn. 

"Cuộc sống có rất nhiều điều thú vị đang chờ đón chúng ta khám phá và có nhiều việc cho ta làm. Tuy nhiên, cuộc sống cũng có rất nhiều khó khăn thử thách. Để duy trì được khát vọng đó đến lúc thành công, tôi đã phải rèn luyện quan điểm sống từng ngày, rèn luyện sức mạnh từ nội tâm để hiểu cuộc đời hơn : thắng không kiêu, bại không nản, mỗi lần thất bại thì nhìn nhận lại mình và điều chỉnh cách làm sao cho phù hợp.

Cuộc đời là một chuỗi “cho” và “nhận”, chia sẻ những giá trị mà mình có được và làm được với những người xung quanh cũng là một động lực giúp cho tôi có niềm tin vào cuộc sống, có động lực vượt qua những khó khăn để theo đuổi khát vọng của mình." - Nguyển Văn Phước - TGĐ First News.


Trích từ  "Thành công không đợi tuổi"

Nguồn  Internet

Bạn có phải là một người tiêu cực

1. Luôn tìm kiếm sự-tồi tệ-đến tận-cùng trong mọi chuyện.

Chúng ta luôn có hai cách nhìn với một nửa cốc nước, đầy hay vơi một nửa. Cuộc sống muôn vẻ, bạn không thể lúc nào cũng may mắn, và điều quan trọng hơn cả chính là thái độ của bạn. Nếu bạn cứ mãi mang đôi kính đen và cho rằng mình là một đứa xui xẻo, hãm tài thì làm thế nào bạn có được động lực cố gắng cùng niềm vui sống đây?

2. Ghen bạn ghét bè

Đây là kiểu “nhìn đâu cũng thấy hoài nghi đỏ mặt”. Bạn chẳng thể tin tưởng một ai và luôn cho rằng, bạn bè là những thành phần đẩy bạn vào đau khổ. Tuy nhiên, bạn biết đó, cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt khi phải thui thủi một mình. Mà đâu phải ai cũng xấu tính, quan trọng là bạn có tìm ra được sự tử tế của họ hay không! Hãy thử “cho” trước khi muốn được “nhận” nhé!

3. Tự đánh lạc hướng bản thân khỏi thực tế.

Ai cũng thích chia sẻ trên mạng xã hội, thích nghe nhạc và xem phim. Tuy nhiên, hãy giữ mọi thứ ở một mức độ vừa phải. Đừng để những cuộc trò chuyện ảo thay cho những lời nói thật và phim ảnh thì luôn khác xa hiện thực, không thể nào cứ đắm chìm mãi vào nó. Dù cuộc sống của bạn có nhiều điều không hay, đối mặt với nó vẫn là cách tốt nhất!

4. Xem mỗi ngày đều là địa ngục.

Bạn chán ghét việc thức dậy vì có quá nhiều thứ phải lo toan, sợ hãi. Tuy nhiên, cách tốt nhất như đã nói chính là trực tiếp giải quyết. Bạn không thể ngủ mãi và cuộc sống cũng chẳng thể tự giải quyết cho bạn điều gì. Hãy nghĩ một ngày mới là một ngày vui vẻ, bạn sẽ dễ dàng hạnh phúc hơn khi bắt tay vào làm việc.

5. Phản ứng thái quá

Bạn sẽ dễ dàng phát hiện một người có vấn đề ở thái độ và cách cư xử của họ. Đơn giản họ không thích bị quấy nhiễu. Vì vậy, mỗi khi có “sự quan tâm” đặc biệt hay vô tình bị ai đụng chạm, họ sẽ phản ứng rất tiêu cực và thái quá. Tuy nhiên, điều này chẳng giúp ích gì ngoài việc đẩy họ ra xa mọi người hơn mà thôi.

6. Luôn tìm khuyết điểm ở người khác

Người tiêu cực thay vì góp ý xây dựng cho những người xung quanh thì họ lại bỏ thời gian để đi tìm khuyết điểm và bỉ bai. Điều dễ hiểu ở đây là họ muốn mọi người cũng phải “khổ sở” như họ. Và vì thế, với đôi mắt soi mói này họ sẽ mãi chẳng tìm thấy ai tử tế để tin tưởng.

7. Không thích bản thân nhưng lại luôn xem mình là tuyệt-nhất-thế-giới

Vì thói quen so sánh lẫn soi mói, bạn sẽ chẳng thấy ai tốt đẹp, hay ho cả. Thế nhưng, có một điều buồn cười là đeo cặp kính bi quan như vậy nhưng bạn vẫn thấy mình rất tuyệt vời, dù cũng hay chì chiết bản thân. Vậy đấy, bạn thấy mình rất dở nhưng thậm chí còn “xịn” hơn tất cả mọi người xung quanh!

8. Chủ trương của bạn là “chúng ta hạnh phúc khi chúng ta không biết gì cả”


Bạn luôn nghĩ rằng chỉ cần chúng ta không màng tới mọi thứ chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ giống với các người điên hơn! Mỗi chúng ta đều có khả năng tư duy và cảm nhận, nếu bạn không thể sử dụng chúng thì làm thế nào để có thể vui vẻ được đây?
Sưu tầm

Điểm Thái độ

Cuộc phỏng vấn cuối cùng rồi cũng kết thúc. Ba nhà tuyển dụng chúng tôi cùng bàn bạc với nhau để đưa ra quyết định cuối cùng: Ai là ứng viên xứng đáng được nhận vào công ty nhất.
Mary nghĩ rằng nên chọn Sam. Cô hào hứng nói với Mark và tôi:
- Trình độ học vấn của anh ta thật tuyệt vời! Chỉ cần nhìn vào những bằng cấp và chứng chỉ của Sam thì cũng thừa biết anh ta có đủ kiến thức để đảm nhận công việc này.
Nhưng Mark lại chọn Ellen. Anh mạnh mẽ trình bày quan điểm của mình:
- Như mọi người đã biết, kinh nghiệm làm việc và thành tích trong hồ sơ của Ellen cũng đã cho thấy đây là một người siêng năng. Thông qua phỏng vấn cũng như tham khảo ý kiến của những người đã từng trực tiếp quản lý Ellen, tôi kết luận điều đó là sự thật. Ellen quả là ứng viên mà chúng ta đang cần. Một người không sợ nhiều việc!
Tôi im lặng nghe Mary và Mark tranh luận với nhau. Cuộc tranh luận có vẻ không kết thúc nổi vì đôi bên khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. Rốt cuộc họ quay sang hỏi tôi:
- Anh nghĩ sao, Robert? Theo anh, một người có học vấn cao hay là người siêng năng sẽ xứng đáng được nhận vào công ty hơn?
Tôi mỉm cười mềm mỏng đáp:
- Học vấn và sự siêng năng đều hết sức quan trọng! Thế nhưng, theo tôi, hai anh chị đã bỏ qua một yếu tố khác…
Mary và Mark chưng hửng nhìn tôi như thể đầu óc tôi đã bị… chập mạch vì làm việc quá căng thẳng. Tôi bình tĩnh giải thích:
- Học vấn là điều không thể thiếu, đúng vậy. Nhưng kiến thức vẫn có thể được bổ sung bất cứ lúc nào! Siêng năng là một phẩm chất hết sức cần thiết nhưng nếu một người chỉ biết làm việc và làm việc mà không nhận ra được điều gì có thể cải thiện hoặc không thể tìm ra một phương pháp làm việc thông minh hơn thì người đó cũng chẳng đem lại lợi ích cho chúng ta.
Nhìn khuôn mặt của đồng nghiệp, tôi biết họ đang nghĩ giá mà đừng mời tôi cùng tham gia đợt tuyển dụng này. Chúng tôi đã mất ba ngày ròng rã để phỏng vấn các ứng cử viên lọt vào vòng cuối cùng. Mary và Mark cũng đã cân nhắc rất kỹ để chọn ra được hai ứng viên xuất sắc nhất. Thể mà tôi lại gạt bỏ cả hai!
Tôi phát biểu:
- Theo tôi, Ruth sẽ là người xứng đáng nhất cho vị trí này!
Mark và Mary sửng sốt nhìn nhau nhưng tôi khoát tay:
- Để cho tôi nói đã. Lý do tôi chọn Ruth là vì thái độ của cô ta.
- Vì thái độ?! – cả Mary và Mark cùng la lên.
- Đúng vậy, thái độ! – tôi lặp lại.
Và nói:
- Xin vui lòng nghe tôi giải thích đã! Ruth có một trình độ học vấn tốt, tất nhiên là không bằng Sam, tôi đồng ý với chị Mary. Thế nhưng những câu trả lời phỏng vấn của Ruth cho thấy cô ta là mẫu người sẽ tìm kiếm một phương pháp làm việc tốt hơn thay vì chỉ biết hì hục làm việc. Người có thái độ làm việc khôn ngoan khác xa với người chỉ biết làm việc để rồi bị lún sâu trong một đống công việc đến nỗi không thể nhìn xa hơn, cao hơn những gì mình đang làm. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi là thái độ của Ruth. Đọc rất kỹ hồ sơ và trực tiếp phỏng vẫn Ruth, tôi có thể khẳng định cô ta có một thái độ hết sức tích cực và khả năng ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh.
Tôi nhấn mạnh:
- Hẳn hai anh chị cũng đồng ý với tôi rằng công ty đang cần tìm một người có thể nhìn thấy chúng ta đang làm gì và làm như thế nào, một người biết đặt câu hỏi “tại sao” và biết cách tìm ra giải pháp tốt nhất. Trong thời đại ngày nay, khi mà mọi thứ đang thay đổi nhanh đến mức chóng mặt làm phá vỡ rất nhiều quan niệm truyền thống, nhất là với công việc mà chúng ta đang tuyển người thì phẩm chất nói trên của Ruth là cực kỳ đắt giá.
Mark có vẻ đồng ý với tôi nhưng Mary thì vẫn do dự. Cô vẫn bị trình độ học vấn tuyệt vời của Sam “mê hoặc”. Tôi liền bồi thêm một “đòn quyết định”:
- Chị Mary này, chị có thể dạy ai đó một hệ thống lý thuyết nhưng chị gần như không thể dạy người đó có một thái độ tốt! Hơn nữa, trong thời đại thông tin này, những kiến thức cũ chẳng là gì cả so với những ý tưởng mới. Và bằng cấp cũng không quan trọng bằng tài năng và nội lực thật sự!
Mary ngồi im lặng ngẫm nghĩ. Rồi đột nhiên cô hào hứng nói:
- Anh làm tôi nhớ đến bà ngoại mình. Có lần từ lâu lắm rồi, bà đã dạy tôi một điều mà thật tình từ lâu nay tôi đã quên mất. Nhưng nghe anh nói, tôi bỗng nhớ lại tất cả. Để tôi chia sẻ với hai người cách suy nghĩ của bà tôi…
Mary đứng dậy viết 26 chữ cái lên tấm bảng. Mark và tôi nhìn nhau khó hiểu. Mary thản nhiên nói tiếp:
- Nếu đánh số thứ tự các chữ cái thì sẽ như thế này:
A… B… C… D… E… F… G… H… I… J… K… L… M… N… O… P… Q… R… S… T… U… V… W… X… Y… Z
1… 2… 3… 4… 5… 6… 7… 8… 9… 10… 11… 12… 13… 14… 15… 16… 17… 18… 19… 20… 21… 22… 23… 24… 25…26
Liếc nhìn hai khuôn mặt ngơ ngác của chúng tôi, Mary mỉm cười viết tiếp:
KNOWLEDGE (kiến thức) gồm:
K=1 N=14 O=15 W=23 L=12 E=5 D=4 G=7 E=5
Tổng cộng là 96 điểm.
HARDWORK (siêng năng) gồm:
H=8 A=1 R=18 D=4 W=23 O=15 R=18 K=11
Tổng cộng là 98 điểm.
ATTITUDE (thái độ) gồm:
A=1 T=20 T=20 I=9 T=20 U=21 D=4 E=5
TỔNG CỘNG LÀ 100 ĐIỂM!

Thật là một cách diễn tả tuyệt vời! Tôi biết ngay là không cần phải giải thích gì thêm nữa với Mary về tầm quan trọng sống còn của thái độ. Bà ngoại của cô ấy đã làm điều đó một cách thật ấn tượng và độc đáo. Cả ba chúng tôi cùng cười vui vẻ và đồng ý với nhau rằng Ruth là ứng viên xứng đáng được nhận và công ty nhất!
Sưu tầm

10 Điều tuổi trẻ thường lãng phí

Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.



Sức khoẻ: Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề đang có. Họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ…. Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm kẻ ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé!
Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc, sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

Tuổi trẻ: Là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao. Vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

Không đọc sách: Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí “nửa cuộc đời” cho nhưng ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì!
Cơ hội: Cơ hội là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.


Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.
Sống độc thân: Phụ nữ ngày nay theo trào lưu “chủ nghĩa độc thân”. Thực tế là khi sống một mình, bạn rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng con. Bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.
Không đi du lịch: Một vĩ nhân đã từng nói: “Khi đi du lịch về, con người ta lớn thêm và chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại”. Vì thế, nếu cho rằng đi du lịch chỉ làm hoang phí thời gian và tiền bạc, bạn hãy nghĩ lại nhé!

Không học tập: Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc đấy!
Nguồn Internet

Top 10 kỹ năng mềm của sinh viên được doanh nghiệp đánh giá rất cao

Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.
Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, mỗi công ty có nhu cầu tuyển nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, bạn cần có những kỹ năng mềm nhất định.

Kỹ năng mềm chỉ một tập hợp những phẩm chất, thói quen, quan điểm và sức hút xã hội của một cá nhân, giúp con người đó trở thành một nhân viên tốt và có khả năng thích nghi với đồng nghiệp và công ty. Các doanh nghiệp đề cao vai trò của kỹ năng mềm vì các nghiên cứu và kinh nghiệp thực tế cho thấy rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng cứng về chuyên môn. Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Top 10 kỹ năng mềm của sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao
Top 10 kỹ năng của sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao

Theo lời khuyên của các chuyên gia, những người đang đi tìm việc làm, đặc biệt là những ai muốn tìm kiếm vị trí quản lý, nên biết cải thiện các kỹ năng mềm của bản thân. Dưới đây là 10 kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất ở các ứng viên:
1. Tinh thần làm việc cao: Bạn có phải là người có động lực và dồn tâm sức để hoàn thành công việc, cho dù đó là việc khó? Liệu bạn có tận tâm và luôn muốn làm việc một cách tốt nhất?
2. Thái độ tích cực: Bạn có phải là một người luôn lạc quan và tích cực? Bạn có thể tạo ra một nguồn năng lượng và ý chí dồi dào? Tham khảo khoá học Làm sao để tự tin và có thái độ tích cực.
3. Kỹ năng giao tiếp tốt: Bạn có phải là một người nói năng mạch lạc, khúc chiết và biết lắng nghe người khác? Bạn có thể diễn tả tình huống và những nhu cầu của bạn theo cách tạo ra được cầu nối với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác?
4. Khả năng quản lý thời gian: Bạn có biết làm thế nào để sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên và cùng lúc xử lý nhiều công việc khác nhau? Bạn có sử dụng thời gian làm việc một cách khôn ngoan không?
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề: Bạn có phải là người tháo vát và có khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh bất ngờ? Bạn có dám đứng ra nhận trách nhiệm hay thích đẩy trách nhiệm cho người khác?
6. Có tinh thần đồng đội: Bạn có thể làm việc tốt khi ở trong đội/nhóm không? Bạn có phải là người dễ hợp tác và sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo nếu được trao?
7. Tự tin: Bạn có thực sự tin tưởng là mình sẽ làm được việc? Bạn có tạo được cho những người xung quanh sự tin tưởng? Bạn có sự dũng cảm để đưa ra những cần hỏi cần thiết và thoải mái trình bày các ý tưởng mà bạn có?
8. Khả năng chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình: Bạn có biết cách xử lý những lời phê bình, chỉ trích? Bạn có phải là một người có thể được đào tạo và cởi mở với sự học hỏi và phát triển, với tư cách một cá nhân cũng như một người chuyên nghiệp?
9. Linh hoạt, có khả năng thích nghi: Bạn có thể thích nghi với những tình huống mới và thách thức mới? Bạn có chấp nhận sự thay đổi và cởi mở với những ý tưởng mới.
10. Làm việc tốt dưới áp lực
Bạn có chịu được những áp lực đi kèm với các thời hạn và các tình huống khủng hoảng? Bạn có thể làm việc tốt nhất trong tình trạng áp lực không? Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi tìm việc, bạn nên tập trung vào những kỹ năng có khả năng thu hút sự chú ý nhiều nhất đối với nhà tuyển dụng. Bạn cần học cách để thể hiện những kỹ năng này qua lý lịch xin việc (resume), phỏng vấn, hoặc trong bất kỳ tình huống tiếp xúc nào với nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, bạn có thể kể câu chuyện bạn đã xử lý một cuộc khủng hoảng hoặc thách thức công việc ra sao ở công ty. Đề cập tới sự nể trọng của đồng nghiệp mà bạn nhận được. Thậm chí, bạn có thể mang theo những lá thư cảm ơn mà công ty hoặc khách hàng gửi cho bạn vì những nỗ lực đó. Hãy nhớ rằng, cho dù bạn xin một công việc trong lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật hay bất kỳ một công việc nào khác, sự kết hợp giữa các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm sẽ giúp bạn nổi bật giữa các ứng viên.
Nguồn  Internet

5 tư thế làm bạn "mất điểm" khi phỏng vấn


1. “Khoa chân múa tay” không ngừng 
Nói cùng với hành động của tay là điều tự nhiên và đôi khi nó thể hiện sự nhiệt tình, hứng khởi. Tuy nhiên, nó có thể mang lại hiệu ứng ngược nếu bạn quá lạm dụng và không làm đúng cách. 
Driver nói: “Cử chỉ của tay chỉ nên giới hạn trong khung cơ thể. Nếu tay bạn vươn quá ngang vai, người nghe sẽ nghĩ rằng bạn đang mất bình tĩnh”. Ngoài ra, tay vận động không ngừng cũng khiến người phỏng vấn bị xao nhãng.
2. Chạm tay lên mặt
Ứng viên nên tránh chạm tay xung quanh mặt. Driver giải thích: “Người ta cho rằng chạm tay lên mặt đồng nghĩa với việc bạn đang che giấu điều gì đó. Nhiều người phỏng vấn tin vào điều này, vì thế bạn nên chú ý”.
Ngoài ra, hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện thay vì nhìn vào môi vì hành động đó có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái.
3. Tư thế ngồi cứng nhắc
Ngồi thẳng là tư thế đúng nhưng bạn cũng không nên quá cứng nhắc, ngồi nghiêm và quá thẳng. Hãy thoải mái nếu bạn không muốn bị mang tiếng là người cứng nhắc và bảo thủ. Để biết mình có ngồi đúng tư thế hay không, hãy chụp lại ảnh, từ đó điều chỉnh thích hợp trước cuộc phỏng vấn thực sự.
4. Khoanh tay
Khoanh tay trước ngực là hành động thể hiện sự kiêu căng và bất lịch sự. Còn khoanh tay trên bàn lại là tư thế thụ động và thiếu tự tin. “Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những người có sức lôi cuốn. Bạn nên đặt tay một cách thoải mái ở trên bàn và để người khác có thể nhìn thấy chúng”, Driver đưa ra lời khuyên.
5. Tựa lưng vào ghế
Bạn nên hơi hướng người về phía trước một chút để thể hiện rằng mình thực sự chú ý và quan tâm tới những gì người phỏng vấn nói. Ngược lại, tựa lưng vào ghế thể hiện sự khác biệt và không có hứng thú. Bạn cũng có thể dựa vào tư thế này của người phỏng vấn để biết câu trả lời của mình có làm hài lòng họ hay không.
“Nếu họ ngả người ra phía sau hay tựa vào ghế, bạn nên cân nhắc lại câu trả lời hoặc giải thích thêm”, Driver gợi ý.
Nguồn Internet


Cách trả lời câu hỏi "Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi ?"


Người phỏng vấn mong đợi một câu trả lời cho thấy bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng về công ty mình muốn làm việc chứ không phải là bạn đã gửi đi bao nhiêu hồ sơ xin việc và chờ đợi người ta gọi điện tới. Do đó, nghiên cứu cẩn thận về công ty trước cuộc phỏng vấn sẽ khiến bạn nổi bật là một ứng viên có khả năng và chuẩn bị tốt. 
Hãy xem xét 2 ví dụ cụ thể dưới đây: 
Annette là ứng viên đầu tiên được phỏng vấn cho vị trí quản lý nhân sự. Khi được hỏi tại sao muốn làm việc ở công ty đó, cô ấy trả lời rằng “ Tôi luôn mong muốn được làm việc cho công ty này. Tôi thích các sản phẩm của công ty và đã sử dụng chúng nhiều năm. Công việc này rất hoàn hảo với tôi, là một cơ hội thực tế giúp tôi trưởng thành và phát triển.” 
Nhận xét: Annette đã có phần trả lời mở đầu tốt nhưng sau đó cô ấy lại chuyển sang những kinh nghiệm mình có thay vì những gì có thể cống hiến cho công ty. Câu trả lời của cô ấy sẽ mạnh mẽ và thuyết phục hơn nếu cô ấy chứng tỏ mình đã tìm hiểu về lĩnh vực cũng như công ty và khi đó, có thể thảo luận nhiều hơn thay vì nói về trải nghiệm của mình với sản phẩm ra sao. 
James là một ứng viên khác và anh ấy đã trả lời một cách trực tiếp hơn: “Dựa trên những gì tôi tìm hiểu, đây là công ty đi đầu trong lĩnh vực. Khi ghé thăm website công ty, tôi thấy một số thông tin ấn tượng về những dự án tương lai của công ty. Tôi cũng rất ấn tượng với quá trình phát triển của người sáng lập và tình hình tài chính của công ty. Đây là công ty tôi luôn tìm kiếm, một nơi mà kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của tôi có thể được sử dụng một cách toàn diện.” 
Nhận xét: Câu trả lời của James đã thể hiện sự quan tâm và nhiệt tình của mình với công ty. Anh ấy cũng thể hiện mong muốn được trở thành một thành viên trong công ty ra sao. 

Bạn phải tìm hiểu về công ty trước khi tham gia cuộc phỏng vấn và hình thành 2 – 3 lý do bạn muốn làm việc cho công ty. Tìm kiếm trên Website công ty về nhiệm vụ chiến lược, thông tin về sản phẩm và dịch vụ, quá trình hình thành và phát triển công ty, về những người sáng lập và thông tin liên lạc. 
Bạn cũng nên nghĩ tới ít nhất 2 lý do tại sao công việc này lại phù hợp nhất với kĩ năng, sức mạnh, kinh nghiệm và kiến thức của mình. Bạn có thể đem lại những gì cho công ty? Hãy viết ra những ý tưởng của bạn và tạo nên một trả lời hoàn chỉnh. 
Sẽ không có chuẩn Đúng – Sai cho câu hỏi này. Câu trả lời của bạn nên thể hiện những gì bạn đã cân nhắc về điều mình muốn và tìm hiểu về công ty. Hãy cho người phỏng vấn biết bạn chọn lựa kỹ lưỡng nơi mình muốn làm việc chứ không phải chấp nhận bất cứ công việc nào. Ngoài ra, hãy khẳng định đây là công ty bạn muốn cống hiến khả năng của mình và một chút “ tâng bốc” về công ty sẽ giúp bạn “ lấy lòng” nhà tuyển dụng dễ dàng hơn.
Nguồn Internet